Nếu bạn muốn điều khiển motor/ xe gắn máy trên đường phố châu Âu thì chắc chắn, chiếc nón bạn đội phải được ECE phê duyệt. Tại Việt Nam, nón fullface đã hiếm thấy trên đường phố, nón fullface đạt chuẩn ECE còn hiếm thấy hơn. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, chúng ta dần nhận thấy những chuyển biến tích cực của người tham gia giao thông tại Việt Nam, họ càng ngày càng quan tâm đến những chiếc nón đạt chuẩn ECE. Trong bài viết này, hãy cùng BBI tìm hiểu về tiêu chuẩn an toàn phổ biến nhất trên thế giới này.
Tiêu chuẩn an toàn ECE 22.05 hoặc ECE 22.06 là gì?
ECE là viết tắt của Ủy ban kinh tế châu Âu, được thành lập bởi Liên Hợp Quốc. Để đạt được chứng nhận tiêu chuẩn ECE, nhà sản xuất phải đưa 50 mẫu mũ đi kiểm định dưới sự chứng kiến của nhà sản xuất và phía tổ chức ECE.
Các nhà kiểm định ECE đã đưa ra một số hướng dẫn, trong đó có ‘hướng dẫn 22′. Hướng dẫn này đã liệt kê những yêu cầu tối thiểu để đáp ứng mức độ an toàn đối với mũ bảo hiểm motor/ xe máy. Chứng nhận mũ bảo hiểm đầu tiên được giới thiệu vào năm 1982, chứng nhận này được gọi là ECE 22.02. Những con số sau ’22’ cho biết phiên bản chứng nhận. Ngày nay chúng ta đang ở phiên bản 05 và 06 (2023).
Đây là cách kiểm tra mũ bảo hiểm có đủ an toàn hay không trong những năm 1910
Tiêu chuẩn ECE 22.05 đòi hỏi những điều kiện gì?
Những chiếc mũ bảo hiểm qua kiểm định ECE 22.05 phải trải qua một số thử nghiệm để xác định xem mũ bảo hiểm có đủ khả năng bảo vệ người dùng để được phê duyệt sử dụng trên đường ở Châu Âu hay không. Các sự cố được mô phỏng để đo lường mức độ bảo vệ, ví dụ như kiểm định quai đeo mũ bảo hiểm (mũ bảo hiểm có giữ nguyên trên đầu bạn khi bị ngã không?) hoặc kiểm định về tầm nhìn của bạn khi đội mũ bảo hiểm.
Mũ bảo hiểm được ECE phê duyệt có thể được nhận dạng bằng nhãn trên quai đeo, có chữ ‘E’ theo sau là một số. Con số cho biết mũ bảo hiểm đã được chứng nhận ở quốc gia nào. Điều này không có nghĩa là mũ bảo hiểm chỉ có thể được đội ở quốc gia đó, nó hoàn toàn chỉ để cho biết nó đã được thử nghiệm ở địa điểm nào.
E1 là Đức
E2 là Pháp
E3 là Ý
E4 là Hà Lan
E6 là Bỉ
E11 là Vương quốc Anh
Chiếc mũ này đã được thử nghiệm ở Ý (E3) và được phê duyệt theo tiêu chuẩn ECE 22.05
Có những điểm gì khác giữa tiêu chuẩn ECE 22.06 so với ECE 22.05
ECE 22.06 là tiêu chuẩn kiểm định mũ bảo hiểm xe máy mới của Châu Âu, được đưa ra để thay thế ECE 22.05. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm được bán ở châu Âu đều phải vượt qua một loạt bài kiểm tra nghiêm ngặt trước khi được bán ra thị trường.
Liên hợp quốc thường xuyên xem xét độ an toàn của mũ bảo hiểm và đưa ra những quyết định cải thiện tính bảo vệ của mũ đối với người lái motor/ xe máy. Vì thế, vào tháng 6 năm 2020, tổ chức ECE đã công bố các quy định mới nhất sau khoảng 20 năm, được đưa vào để thay thế các quy định ECE 22.05 cũ.
Nhưng đừng lo lắng nếu bạn vẫn đội mũ bảo hiểm ECE 22.05. Những chiếc mũ bảo hiểm mới phải tuân theo các quy định của tiêu chuẩn ECE 22.06 từ tháng 1 năm 2024 trở đi (ở những khu vực bắt buộc mũ bảo hiểm cần đạt chuẩn ECE) và ngay cả khi đó, mũ bảo hiểm ECE 22.05 cũ vẫn sẽ hợp pháp. Chỉ những chiếc mũ bảo hiểm mới được bán mới cần đạt chuẩn ECE 22.06.
Không giống như ECE 22.05, ECE 22.06 yêu cầu các thử nghiệm tác động nghiêm ngặt ở nhiều tốc độ khác nhau , góc và các bộ phận của mũ bảo hiểm để đảm bảo sản phẩm mũ được đánh giá toàn diện, bao gồm các tác động ở góc cạnh và kiểm tra độ an toàn của các phụ kiện.
Bài kiểm tra chuẩn ECE 22.06 bao gồm:
– Bổ sung kiểm định các điểm tác động / hấp thu xung động
– Vận tốc kiểm định nhanh hơn
– Bổ sung thử nghiệm với các góc va chạm khác nhau
– Hiển thị năm sản xuất mũ bảo hiểm.
– Kích thước và số đo mũ sẽ được thống nhất tính bằng centimet.
– Kiểm định thêm tấm chống đọng sương.
– Kính chắn tinted: giới hạn truyền ánh sáng giảm xuống > 35% thay vì > 50% (phải sửa đổi màu của vật liệu khói Lexan).
– Kiểm định kính chắn mũ bảo hiểm với tốc độ cao (60 m/s).
– Kiểm định kính chắn phải đạt chuẩn, kiểm tra quang học và truyền ánh sáng > 20% (hiện tại ở mức từ 14% đến 18%).
– Mũ bảo hiểm P/J (mũ lật hàm): các bài kiểm tra phải được thực hiện với cả hai loại: đóng và mở thanh cằm và/hoặc có và không có thanh cằm (nút điều khiển khóa màu đỏ).
– Mũ bảo hiểm có hệ thống liên lạc nội bộ và/hoặc các thiết bị khác: kiểm định với mũ đã lắp sẵn thiết bị.
– Thử nghiệm động của thanh cằm với lực kéo về phía sau vỏ mũ.
– Kiểm định “roll off” bao gồm từ trước ra sau.
Nhìn chung, các quy định ECE được cập nhật đều hướng đến mục tiêu bảo vệ an toàn tốt hơn cho người sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tại Việt Nam, tiêu chuẩn bắt buộc mũ bảo hiểm cần phải có là QCVN. Nếu bạn sử dụng những chiếc mũ đạt chuẩn an toàn quốc tế hàng đầu như ECE thì càng tốt. Mỗi ngày tại Việt Nam có 17 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ trở về vì tai nạn giao thông, nguyên nhân tử vong lớn nhất chính là chấn thương sọ não. Một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng không bao giờ là một khoản đầu tư lãng phí!
* Bài viết có sự tham khảo từ Fortamoto.com và Bikebiz.com