Tất tần tật về chuẩn CE của găng tay bảo hộ xe máy

Chuẩn CE dành cho găng tay bảo hộ xe máy xác nhận sản phẩm găng đó có tác dụng bảo vệ đôi tay của người dùng khi lái xe. Hiện nay, chuẩn EN13594:2015 là chuẩn mới nhất, thay thế cho EN13594:2013 trước đó. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chuẩn CE của găng tay bảo hộ là gì, có những cấp độ nào, và nhu cầu của bạn sẽ phù hợp với sản phẩm găng bảo hộ nào.

Chuẩn an toàn EN13594:2015 không chỉ dành cho người lái mô tô chuyên nghiệp mà còn phù hợp với những ai lái xe máy bình thường, tức chỉ đi nội ô hoặc các chuyến phượt/ touring với tốc độ vừa phải. Những chiếc găng đạt chuẩn được thiết kế để bảo vệ người lái xe khỏi các va chạm mạnh (nếu không may xảy ra tai nạn) mà vẫn đảm bảo không gây cản trở hoặc khó khăn khi lái xe (ví dụ như việc điều khiển xe và sử dụng các nút công tắc trên xe). Ngoài ra, găng tay đảm bảo khả năng bảo vệ cơ học cho bàn tay và cổ tay trong trường hợp xảy ra tai nạn.

gang tay bao ho ls2

Các cấp độ của chuẩn CE dành cho găng tay bảo hộ

Có 2 level của chuẩn CE dành cho găng tay bảo hộ:

  • Cấp độ 1: Mức tối thiểu để đảm bảo tác dụng bảo vệ của găng trong trường hợp xảy ra tai nạn, thoải mái cho lái xe nội ô và các chuyến touring có tốc độ vừa phải.
  • Cấp độ 2: Bảo vệ đôi tay người lái hiệu suất cao, dành cho các loại hình lái xe chuyên nghiệp hơn (ví dụ như tham gia đua mô tô thể thao).

Tại Việt Nam, không quá nhiều người trang bị đồ bảo hộ khi lái xe 2 bánh hằng ngày. Tuy nhiên, với các tay đua chuyên nghiệp hoặc những ai có ý thức bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông thì găng tay bảo hộ là thứ không thể thiếu. Găng đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì đây là thứ đầu tiên chạm đất và chịu va chạm đầu tiên. Hiển nhiên, bạn không muốn tay bạn bị tổn thương nặng nề khi xảy ra va chạm, và găng tay bảo hộ sinh ra để bảo vệ bạn trong những tình huống này.

Kể từ tháng 4 năm 2018, găng tay dành cho người đi xe máy được coi là Thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và theo luật, tất cả các mẫu găng tay mới được đưa ra thị trường châu Âu đều phải vượt qua bài kiểm tra an toàn CE.

Nếu găng tay của bạn có nhãn CE, thì sau đây là hướng dẫn cách đọc nhãn và kiểm tra găng tay.

Cách đọc nhãn CE trên găng tay bảo hộ

Nhãn CE trên găng tay thể hiện bốn yếu tố:

  1. Hình ảnh xe máy cho biết sản phẩm này là trang bị bảo hộ cho người lái mô tô/ xe gắn máy.
  2. Số 1 hoặc 2 hiển thị xếp hạng CE của sản phẩm (‘1’ – Level 1 cơ bản, ‘2’ – Level 2 nâng cao hơn).
  3. ‘KP’ cho biết găng tay đã vượt qua bài kiểm tra va đập ở đốt ngón tay.
  4. Phiên bản tiêu chuẩn CE.

chuan ce gang tay bao ho xe may

Cách kiểm định găng tay đạt chuẩn CE

Trong tiêu chuẩn CE, có 5 yếu tố bắt buộc mà găng tay phải vượt qua để đạt chuẩn CE và một bài kiểm tra tùy chọn nếu chúng đáp ứng tiêu chuẩn cao hơn.

Bài kiểm tra 1: Độ che phủ cổ tay

Bài kiểm đầu tiên liên quan đến việc đo từ đường cổ tay của găng tay đến cuối cổ tay – để đạt mức đánh giá Level 1, con số này phải ít nhất là 15mm, trong khi Level 2 đòi hỏi độ dài tối thiểu là 50mm.

Bài kiểm tra 2: Lực tối thiểu để kéo găng khỏi bàn tay

Bài kiểm này đảm bảo rằng găng tay vẫn còn được giữ chắc trên tay của bạn trong trường hợp xảy ra tai nạn, thường là nhiệm vụ của khóa Velcro.

Trong bài kiểm tra này, găng tay được đặt trên một cổ tay giả mô phỏng. Một đầu của kẹp được gắn vào ngón trỏ và ngón út, trong khi đầu kia được gắn vào đáy của trụ tròn (trụ giữ găng tay).

Các kẹp được kéo ra xa nhau để thử nghiệm khả năng giữ găng tay trên tay giả mô phỏng. Với thử nghiệm Level 1, chúng được kéo xa nhau với lực 27 Newtons (N), trong khi đối với Level 2 là 52N. Đối với cả hai cấp độ, găng tay cần phải giữ chặt trên tay (mô phỏng) trong vòng 30 giây để qua kiểm định.

gang tay bao ho ls2

Bài kiểm tra 3: Độ bền khi bị xé

Ba phần khác nhau của găng tay được kiểm tra đối với khả năng chống lại lực kéo khi bị rách – lòng bàn tay và các bên của ngón tay phía bàn tay, cổ tay và phía sau của găng tay (bao gồm cả phía sau của ngón tay) và các chiếc “fourchettes” (các phần giữa các ngón tay).

Để kiểm tra mẫu, găng tay được cho vào kẹp của máy kiểm nghiệm kéo. Các kẹp được tách ra với một lực không đổi để kiểm tra xem vật liệu có chịu được áp lực hay không.

Đối với mức đánh giá Level 1 cơ bản, lòng bàn tay và phía bàn tay của ngón tay phải chịu được lực 25 N, cổ tay, phía sau của bàn tay và các bên của ngón tay phải sống sót với 18 N và “fourchettes” cũng phải chịu được 18 N.

Đối với mức đánh giá Level 2 phức tạp hơn, lòng bàn tay/phía bàn tay của ngón tay phải chịu được 35 N, cổ tay, phía sau của bàn tay và các bên của ngón tay phải chịu được 30 N và “fourchettes” phải chịu được 25 N.

Bài kiểm tra 4: Độ bền đường may

Bài kiểm tra độ bền của đường nối của găng tay tương tự như bài kiểm tra độ bền khi bị rách. Một mẫu của găng tay được kẹp vào hai kẹp của máy kiểm nghiệm kéo, với đường nối ở giữa và các cạnh của mẫu treo xuống khỏi hai bên của máy kiểm nghiệm.

Máy kéo hai kẹp ra xa nhau và lực được áp dụng vào thời điểm đường nối bị hỏng được ghi lại. Việc này được lặp lại ba lần cho mỗi đường nối trên găng tay. Độ bền của đường nối được tính bằng cách chia lực ghi lại tại thời điểm hỏng cho độ dài của đường nối.

Để đạt mức đánh giá Level 1, các đường nối chính (giữ găng tay lại với nhau) phải sống sót với 6 Newtons trên mỗi milimét (N/mm), và “fourchettes” với 4 N/mm.

Đối với mức đánh giá Level 2, các đường nối chính phải sống sót với 10 N/mm lực, và “fourchettes” với 7 N/mm.

Bài kiểm tra 5: Khả năng chống mài mòn do va đập

Đây chắc hẳn là bài kiểm quan trọng nhất. Bài kiểm tra khả năng chống mài mòn do va đập xác định găng tay sẽ giữ được như thế nào nếu chúng tiếp xúc với đường.

Một mẫu găng tay được gắn vào một giá đỡ và thả từ một độ cao xác định xuống một đai chuyển động bằng vật liệu có độ ma sát cao. Người kiểm tra ghi lại thời gian mà mẫu chịu được trước khi bị rách một lỗ – một bài kiểm tra được lặp lại trên bốn mẫu.

Để đạt mức đánh giá Level 1, mỗi mẫu vật phải tồn tại ít nhất 3 giây trước khi bị rách thành lỗ và thời gian trung bình của bốn mẫu không được ít hơn 4 giây.

Đối với mức đánh giá cao hơn Level 2, thời gian không được ít hơn 6 giây, với thời gian trung bình là 8 giây hoặc hơn.

Bài kiểm tra 6 (không bắt buộc): Khả năng chống va đập của khớp ngón tay

Đây là bài kiểm tra tùy chọn nếu găng tay muốn đạt Level 1, nhưng lại là kiểm định bắt buộc đối với găng tay đạt Level 2.

Lúc này, mẫu găng tay được đặt trên vòm của một cái đe và một búa nặng 2,5kg đập vào mẫu với lực 5 joules (J). Thử nghiệm này sẽ lặp lại 4 lần và lực truyền qua găng sẽ được ghi nhận qua mỗi lần.

gang tay bao ho ls2

Để đạt mức đánh giá Level 1, một cú đánh không thể truyền qua găng quá 9 kilonewton (kN) và lực trung bình trên cả bốn mẫu không được vượt quá 7 kN. Đối với găng tay Level 2, lực không được lớn hơn 4 kN và giá trị trung bình phải ở dưới 4 kN.

Mẫu được kiểm tra kỹ càng sau mỗi thử nghiệm. Nếu găng bị rách hoặc bị lủng lỗ, ngay lập tức thử nghiệm thất bại.

Bài viết trên đã chia sẻ về chuẩn CE của găng tay bảo hộ đến các Riders. Hy vọng sẽ đem đến cho bạn những kiến thức hữu ích khi lựa chọn găng tay bảo hộ xe máy.

Trả lời