Tôi đã đeo kính từ khi học lớp năm. Không lâu sau khi tốt nghiệp trung học, tôi mua chiếc xe máy đầu tiên và ngay sau đó là chiếc mũ bảo hiểm đầu tiên, một chiếc Bell Star. Tôi có thể đeo vừa kính khi đội mũ bảo hiểm, nhưng lớp lót bên trong gây áp lực lên gọng kính, ép chúng vào đầu và gây ra cảm giác khá đau đớn. Vì vậy, tôi đã dùng búa để đập lớp lót cho đến khi áp lực biến mất.
Đó là việc làm không hề thông minh. Việc đeo kính mắt với mũ bảo hiểm xe máy có thể đem đến một cơn đau đầu thực sự, nhưng đối với một số người trong chúng ta, điều đó là cần thiết và có những cách tốt hơn để xử lý vấn đề này thay vì cách mà tôi đã làm khi xưa.
Cách chọn mũ nếu bạn cần đeo kính
Mỗi loại mũ bảo hiểm xe máy đều có những thách thức khác nhau đối với người đeo kính. Với mũ bảo hiểm fullface, sự bất tiện đầu tiên là bạn phải tháo kính ra trước khi đội hoặc tháo mũ bảo hiểm và sau đó đeo kính lại. Đây là một phiền toái lúc đầu vì nó thêm một bước trong quá trình đội mũ, nhưng đổi lại bạn nhận được sự bảo vệ tối đa từ mũ bảo hiểm fullface. (Mẹo nhỏ: Đừng đặt kính lên yên xe khi bạn đang đội mũ bảo hiểm, đặc biệt là nếu xe đang nổ máy vì nó sẽ làm rơi chiếc kính đắt tiền của bạn xuống đất.)
Vấn đề khác mà tôi gặp phải ngày trước là làm thế nào để đeo kính trong lớp lót mà không cảm thấy khó chịu. Một khe nhìn rộng hơn là một dấu hiệu tốt nhưng câu hỏi lớn hơn là liệu gọng kính có dễ dàng trượt qua lớp lót và vừa khít mà không gây áp lực đau đầu. Hiện nay, nhiều mũ bảo hiểm fullface được thiết kế cho người đeo kính, nhưng không phải tất cả đều giống nhau. Những chiếc mũ fullface từ thương hiệu LS2 sẽ giải quyết được điều này khi nhà sản xuất đã tinh chỉnh, tính toán kỹ lưỡng để cho ra một sản phẩm phù hợp cho người đeo kính cận.
Nếu bạn chọn những dòng mũ lật hàm hoặc mũ 3/4, chúng tôi khuyến khích bạn chọn những dòng mũ có thêm 1 lớp kính chắn bên ngoài. Đeo kính cận cùng mũ openface có thể mang lại sự tiện lợi khi bạn có thể tháo hoặc đội mũ bảo hiểm dễ dàng khi đeo kính, tuy nhiên hãy lưu ý rằng mắt bạn có thể bị khô, khó chịu, tổn thương do bụi bẩn có thể bay vào mắt nếu bạn sử dụng những chiếc mũ 3/4 không có kính chắn. Đương nhiên, cuộc sống luôn có sự đánh đổi.
Khi bạn mua mũ bảo hiểm, không chỉ cần xem nó phù hợp với kính của bạn như thế nào và dễ dàng đeo kính ra sao mà bạn còn nên giả lập tư thế lái xe trên xe của bạn. Khi bạn chạy sport bike với thế ngồi nghiêng về phía trước sẽ có thể tạo ra sự khác biệt nhỏ và gây áp lực lên phần trên của gọng kính. Đây cũng là thời điểm tốt để kiểm tra tầm nhìn ngoại vi. Tôi cũng gợi ý bạn nên chọn mũ bảo hiểm có hệ thống thông gió tốt. Luồng không khí phía sau kính chắn gió giúp ngăn kính (và bên trong kính chắn gió) không bị mờ. Kiểm tra đánh giá trực tuyến để tìm ra mẫu nào thông gió tốt nhất.
*Chú thích hình ảnh: Kính mắt với gọng thẳng tương đối dễ chèn giữa thái dương và lớp lót bên trong mũ bảo hiểm của bạn. Chọn gọng kính phù hợp cũng quan trọng như chọn mũ bảo hiểm phù hợp.*
Cách chọn kính mắt khi đội mũ bảo hiểm xe máy
Dĩ nhiên, mũ bảo hiểm chỉ là một nửa của vấn đề. Những lựa chọn bạn đưa ra khi mua kính cũng có thể giúp ích.
Một số người đeo kính, bao gồm cả tôi, có riêng một chiếc kính chỉ dành cho mục đích lái xe máy. Kính của tôi có gọng kim loại mỏng, không quá cao để chạm vào lớp lót ở trên cùng của khe nhìn và không cản trở tầm nhìn ngoại vi của tôi. Chúng cũng có gọng thẳng trượt vào dễ dàng và không cần phải móc qua tai. Kính “hàng ngày” của tôi với gọng lớn hơn không phù hợp trong bất kỳ mũ bảo hiểm nào của tôi.
Vì thế, một tips tôi nghĩ là hữu ích chính là: Hãy mang mũ bảo hiểm của bạn đến cửa hàng mắt khi bạn mua gọng để bạn có thể thử chúng khi đang đội mũ. Bạn có thể nhận được vài ánh nhìn kì quặc nhưng nó sẽ đáng giá về lâu dài cả về sự thoải mái và an toàn. Nhân viên biết nhiều về gọng kính hơn bạn, vì vậy hãy cho họ biết vấn đề là gì và để họ giải quyết cho bạn với các giải pháp như gọng kính mỏng, dẻo và tay gọng có lò xo.
Nếu bạn lái xe trong thời tiết mưa thường xuyên, bạn có thể đã có thứ gì đó như miếng chống mờ Pinlock cho kính chắn gió của bạn. Cũng có nhiều loại xịt và chất xử lý chống mờ mà bạn có thể bôi trực tiếp lên kính của mình. (Theo kinh nghiệm của tôi, hiệu quả của chúng khá thất thường; hãy kiểm tra đánh giá trực tuyến.) Bạn cũng có thể đặt thấu kính kính với lớp xử lý chống mờ cũng như lớp chống phản chiếu để giảm khúc xạ ánh sáng vào ban đêm. Hãy nói cho bác sĩ mắt của bạn biết bạn sẽ sử dụng kính trong điều kiện như thế nào và họ sẽ giúp bạn chọn lựa các tùy chọn phù hợp.
Có thể bạn đang nghĩ đến việc bỏ kính và sử dụng kính áp tròng để đi xe. Tuy nhiên hãy lưu ý đến luồng không khí bên trong mũ bảo hiểm? Nó có thể làm khô kính áp tròng của bạn, buộc bạn phải dừng lại thường xuyên để nhỏ mắt. Và nếu một chiếc kính áp tròng rơi ra khi bạn đang lái xe, khả năng cao là bạn sẽ không tìm thấy nó. Nếu bạn không có kính để đi, ít nhất hãy mang theo kính áp tròng dự phòng.
Nếu bạn có thể đi xe mà không cần kính thì tốt cho bạn. Tôi thì không, vì vậy tôi luôn mang theo một cặp dự phòng trong các chuyến đi xa. Một hộp đựng kính cứng cáp sẽ rất cần thiết cùng một bộ dụng cụ làm sạch để loại bỏ bụi bẩn tích tụ trên kính sau nhiều giờ trên đường. Tin tôi đi, xô rửa bên cạnh trạm xăng không phải là công cụ phù hợp cho công việc này.
Bất kỳ sự khó chịu nhỏ nào bạn cảm thấy khi thử kính cùng mũ bảo hiểm sẽ trở nên phóng đại thành một cơn đau đầu dai dẳng sau một ngày dài trên đường, vì vậy dành thêm chút thời gian để chọn mũ bảo hiểm và kính phù hợp với bạn.
*Bài viết được BBI biên dịch từ revzilla.com