I. Định hướng
Khi quyết định thành lập công ty nghĩa là ta quyết định tự làm chủ, tự kinh doanh, tự định đoạt đời mình… Đó là câu trả lời thường nhận được của đại đa số các “giám đốc” vừa thành lập công ty, nhưng sâu xa hơn mỗi người đều có mục đích riêng của mình.
- Nhóm thành lập công ty theo kiểu điếc không sợ súng, quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều mơ ước sẽ trở thành một Steve Jobs hay Bill Gates (nhưng lại thiếu kinh nghiệm).
- Nhóm thích có danh thiếp ghi là Giám Đốc nhưng nộp đơn vô vị trí này mãi không ai thuê nên quyết định thành lập công ty riêng để tự làm Giám Đốc.
- Nhóm thành lập công ty vì đã có sẵn đầu ra, có khách hàng, có dự án, họ mở công ty vì cần một tư cách pháp nhân của công ty để tiện làm việc.
- Nhóm thành lập công ty với hy vọng sẽ trở nên giàu có (nhóm này khác nhóm 3 là chưa biết sẽ làm gì để giàu, chỉ đơn giản nghĩ là làm giám đốc thì sẽ giàu).
- Nhóm đam mê kinh doanh, thích công việc kinh doanh, điều hành quản lý và có năng lực thực sự những việc đó.
- Nhóm nhìn ra được một cơ hội kinh doanh nào đó, có niềm tin là nó có thể kinh doanh và mang lại lợi nhuận và toàn tâm toàn ý muốn biến ý tưởng đó thành hiện thực.
Trong những nhóm trên, ta hãy cùng lướt qua nhóm nào nên thành lập công ty để ra làm riêng.
Nhóm 1: Nhiều người thường khuyên nhóm này không nên thành lập công ty, nhưng theo mình, nếu họ quá nhiều nhiệt huyết, quá nhiều đam mê thì mình nghĩ cũng nên lập công ty cho biết, 90% chúng ta sẽ gặt hái được một cái rất giá trị đó là… thất bại. Đừng nghĩ tôi châm biếm, vì thất bại xét theo một nghĩa nào đó rất có ích cho sức khỏe, nó giúp chúng ta về sau bớt điếc và bắt đầu biết sợ súng. 10% còn lại là bi kịch, đó là lỡ xui mà nhóm này thành công ngay từ những dự án đầu thì sẽ rất bi kịch, họ sẽ bắt đầu thăng hoa lên tầm mức hoang tưởng, nghĩ mình đang trên đường thành thiên tài bất khả chiến bại và từ đó sẽ dẫn họ đến những vấn đề trầm trọng hơn. Lúc này bệnh sẽ khó chữa hơn bình thường.
Nhóm 2: Nhóm này là nhóm không nên thành lập công ty nhất. Tuy nhiên, nếu quá thích cái danh thiếp và có dư chút đỉnh tiền (để thủ tục thành lập công ty, khoảng 5 triệu hoặc trên dưới đôi chút) + có một khoảng thu ổn định nào đó (để trả cho kế toán báo cáo thuế hàng tháng – đừng lo, báo cáo này thường không phức tạp vì tình hình kinh doanh đa phần là tất cả bằng không, không chi không thu). Và sau đó thật tuyệt vời!!! Bạn đã là Giám Đốc! Xin chúc mừng!
Nhóm 3 nên mở công ty, Bill Gates cũng thành lập Microsoft theo kiểu này (nhưng nhớ là Bill Gates không phải người thường). Nhóm này, khi mở công ty họ sẽ kinh doanh có lãi thời gian đầu, thậm chí có thể giàu… Nhưng trừ khi họ thật sự yêu công việc đó, giữ vững được đam mê, giữ vững được chất lượng dịch vụ/sản phẩm để có thể tiếp tục dự án hoặc công việc đang làm. Còn đa phần sau khi xong/hết dự án, công ty cũng sẽ đến giai đoạn khó khăn là không biết làm gì tiếp theo hoặc giải thể. Tóm lại là nhóm này có khả năng thu được lợi nhuận cao, nhưng để biến nó thành thành công lớn và mang tính lâu dài thì ta cần phải thêm nhiều yếu tố nữa.
Nhóm 4 – thích giàu! Nhóm này nên mua vé số, đánh đề, cờ cá ngựa, cờ tướng, cờ vua gì đó… hoặc lấy chồng giàu (nếu là nữ và có nhan sắc) hoặc làm gì đó cũng được nhưng đừng mở công ty. Vì đa phần trường hợp cả một thời gian dài ban đầu bạn sẽ sống vô cùng khó khăn, tất cả vốn liến, nhà cửa, xe cộ… đều dồn vào công ty. Tiền lương nhân viên, chi phí hoạt động, văn phòng và hàng tỉ chi phí khác, tháng nào kết toán huề vốn hoặc dư ra được chút đỉnh là mừng hết lớn, và cái khoản dư ra chút đỉnh này thường chẳng thấm vào đâu nếu chúng ta đi làm thuê.
Nhóm 5 – nghe có vẻ rất thích hợp để mở công ty riêng, nhưng cũng không nên. Vì nhóm này chỉ thích kinh doanh và kinh doanh giỏi. Nhóm này nên tiếp tục đi làm thuê vì đi làm thuê vẫn được thỏa mãn máu kinh doanh, quản lý của mình, được ở trong những môi trường chuyên nghiệp (giúp cho khả năng của mình ngày càng tốt hơn), được làm những dự án lớn, được tiếp xúc với những khách hàng tầm cỡ, được thu nhập ổn định… Nói chung là đi làm thuê thì nhóm này có tất cả những gì mà họ cần, thế hà cớ gì phải sân si?
Nhóm 6 nghe có vẻ như là nhóm thích hợp nhất để mở công ty. Nhóm này có tầm nhìn, có sự nhạy bén, có chuyên môn, có một ước mơ cháy bỏng về kinh doanh và khẳng định mình. Nhưng nhóm này vẫn chỉ mới có điều kiện cần chứ chưa có điều kiện đủ. Nhóm này nếu nhìn ra được mọi thứ nhưng không có khả năng biến những cái tầm nhìn ấy thành hiện thực (tố chất của nhóm 5) thì ngoại trừ trường hợp bỏ tiền về thuê nhóm (5) làm việc cho mình, còn không thì cũng rất khó thành công.
Đọc đến đây bạn sẽ hỏi: Này, cái nào cũng không, vậy khi nào thì mới đủ điều kiện để thành lập công ty?
Câu trả lời là khi có đủ tất cả những yếu tố trên (trừ cái số 2, cái đó không quan trọng).
Nghe có vẻ ba phải nhưng thật ra điều đó chính xác. Khi bạn thấy được một hướng kinh doanh mà bạn tin là sẽ hiệu quả (6), bạn có năng lực về quản lý, đam mê kinh doanh (5) bạn có một đầu ra căn bản ban đầu (3), bạn có ước mơ làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho mình và những xung quanh (4), bạn có thật nhiều đam mê (với kinh doanh và với lĩnh vực mà mình kinh doanh) và bạn cũng có một chút máu liều (1). Khi tất cả những câu trả lời cho các câu hỏi trên đều là Có thì đó là thời điểm chúng ta sẵn sàng cho việc bắt đầu một doanh nghiệp riêng của mình.
Và hãy luôn luôn chuẩn bị tinh thần rằng đây không phải là con đường nhàn hạ, bạn sẽ cày mười mấy tiếng mỗi ngày, lảo đảo bước ra khỏi công ty bạn sẽ đi ăn vất vưởng đâu đó, trong lúc ăn bạn vẫn tiếp tục suy nghĩ về những việc còn dang dở, về nhà bạn tiếp tục làm việc và bạn đi ngủ với giấc ngủ chập chờn với những vấn đề về chi phí, khách hàng, dự án… Tất cả những điều đó để đổi lấy một thu nhập rẻ bèo hàng tháng (thường là thấp hơn nhiều so với khi ta làm tất cả những việc đó lúc đi làm thuê), tệ hơn bạn có thể chẳng có đồng thu nhập nào hoặc thậm chí phải vay mượn để bù vào chi phí.
Chúng ta được gì khi thành lập công ty?
Tất cả những cái “bị” bên trên cũng chính là cái chúng ta “được” và nếu chúng ta may mắn đứng về phía % những công ty vượt qua được thời gian khó khăn ban đầu, thì sẽ đến một ngày nào đó chúng ta xây dựng được một doanh nghiệp ổn định, thu nhập chúng ta dần cao lên, công việc chúng ta dần đi vào quỹ đạo. Và khi về già chúng ta tự hào kể với con cháu rằng chúng ta đã dám tách ra khỏi đám đông để bước đi con đường chông gai.
Đơn giản chỉ có thế, chúng ta sẽ mất rất nhiều để được những cái giản dị như vậy. Giàu có, danh vọng vẫn là những khái niệm không nên nằm trong kế hoạch của những cái “được”. Vì vậy một lần nữa, các bạn nhóm (2) thích danh thiếp: đừng thành lập công ty. Hoặc nếu có thì nhớ xác định rõ ràng: chi phí 5 triệu nhờ dịch vụ thành lập công ty + mỗi tháng một ít tiền để thuê kế toán + mỗi năm ít tiền để đóng vài loại thuế (nhớ đừng bán hóa đơn, cái đó phạm pháp). Các bạn nhóm (3) thích giàu: nên mua vé số hoặc lấy chồng (phải đẹp, nếu không đẹp thì cũng đừng tuyệt vọng, vẫn còn cơ hội lấy chồng nước ngoài vì đôi khi quan điểm thẩm mỹ của bọn Tây rất khác).
II. Xây dựng kế hoạch kinh doanh như thế nào?
Bài này mình viết tập trung nói về việc xây dựng một kế hoạch kinh doanh cơ bản nhất, không phải là xây dựng một doanh nghiệp hoành tráng, với những trường hợp cần hoành tráng thì tốt nhất lên tìm một bạn CEO tốt nghiệp MBA ở Tây Tàu gì đó (hay Việt Nam cũng được, nhưng nơi nào học phí cao cao tí), thuê về để các bạn ấy làm, chúng ta làm chủ đầu tư đi đánh “gốp” cho sướng thân.
Kế hoạch kinh doanh nôm na giống như bản hiến pháp của một nước, nó quy định khái quát nhưng rõ ràng, cụ thể hướng đi của doanh nghiệp. Mọi cái kế hoạch sau này đều sẽ dựa trên cái kim chỉ nan này mà phát triển ra. Vì là cơ bản nên mình chia KHKD ra làm 2 loại, lại đầu là dành cho những bạn có ý tưởng về một sản phẩm hay ho nào đó, nhưng không đủ tiền để làm, cần có nhà đầu tư, kế hoạch này đòi hỏi phải chứng minh thêm cái phần về năng lực của đội ngũ quản trị, chia sẻ lợi nhuận và những phương án rút vốn đầu tư… Loại 2 là loại dành cho những người muốn tự mình làm, không cần xin xỏ ai, có bao nhiêu xài bấy nhiêu. KHKD loại này có thể rút tỉa bớt những phần bên trên, tất nhiên nếu có điều kiện thì nên làm đầy đủ, đừng tỉa. Trong bài này mình nói trước về loại kế hoạch đã tỉa bớt, nếu thấy mọi người hứng thú muốn viết cho đủ luôn thì mình sẽ viết tiếp những phần sau.
Khung sườn
Làm gì cũng vậy, chúng ta cần cái khung sườn, rồi từ đó triển khai rộng ra, chi tiết dần. Làm như vầy sẽ giúp chúng ta không bị lạc hướng và bao quát được đầy đủ nhiều mặt của vấn đề. Về cơ bản, một kế hoạch kinh doanh cần có những phần sau:
- Giới thiệu tổng quát.
- Phân tích thị trường.
- Sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
- Định vị khách hàng.
- Phân tích đối thủ.
- Chiến lược Sales/Marketing.
- Chiến lược giá.
- Nguồn nhân lực.
- Kế hoạch tài chính.
- Phân tích rủi ro.
- Kế hoạch triển khai.
- Giới thiệu tổng quát: phần này để giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về toàn bộ kế hoạch kinh doanh.
- Phân tích thị trường: thị trường là ở đâu, đang cần gì, tiềm năng của thị trường thế nào, vì sao chúng ta cho rằng đó là một thị trường có thể mang lại lợi nhuận.
- Sản phẩm/dịch vụ: chi tiết về những gì chúng ta đưa cho khách hàng, cấu tạo sản phẩm thế nào, làm thế nào để chế tạo, có điểm độc đáo gì…
- Định vị khách hàng: cái này khá quan trọng, khách hàng là ai, mối quan tâm của họ thế nào, thu nhập ra sao, vì sao họ lại là khách hàng mục tiêu…
- Phân tích đối thủ: hên thì chúng ta chui vô cái đại dương xanh, nhưng giờ mấy cái đó hơi bị hiếm, nên rủi chui vào đại dương đỏ thì đối thủ chính là ai, vì sao họ lại thành công, điểm yếu là gì, đối thủ gián tiếp là gì…
- Chiến lược sales và marketing: cái này chắc không phải giải thích rồi, mình sẽ nói chi tiết hơn khi phân tích tới phần này.
- Chiến lược giá: một trong 4 cái P, cách định giá thế nào, vì sao định giá như vậy, giá sẽ được thay đổi ra sao, trong tình huống nào…
- Nguồn nhân lực: không ai làm việc gì một mình cả, nên phải tính tới việc cần những ai, tìm người ở đâu, đào tạo người thế nào, chính sách với người thế nào để người không bỏ ta…
- Kế hoạch tài chính: tiền, tiền tiền! Xài tiền thế nào, mượn tiền ở đâu,… đại khái là kiếm tiền thế nào và dùng tiền ra sao.
- Phân tích rủi ro: không ai làm gì mà không có rủi ro cả, phân tích cái này càng kỹ thì càng giúp ta dễ dàng tránh được mấy cái rủi ro này, hoặc ít nhất cũng giúp ta đỡ bị… shock
- Kế hoạch triển khai: đại khái là khi nào thì làm cái nào, sẽ đạt được cái nào…